-
-
-
Total:
-
CÁCH XỬ LÝ GIÁ THỂ XƠ DỪA TRỒNG CÀ CHUA
Trong quá trình làm việc với nhiều đơn vị Nông nghiệp tại Việt Nam cũng như là thời gian trồng trọt, nghiên cứu thực tế tại trang trại thực nghiệm Nông nghiệp Ficoco, chúng tôi nhận thấy rằng giá thể xơ dừa là loại giá thể được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong kĩ thuật trồng cây trên giá thể.
Vậy, vì đâu mà giá thể xơ dừa lại được sử dụng phổ biến?
Tính ưu việt của giá thể xơ dừa là gì?
Cách xử lý giá thể xơ dừa như thế nào?
Mời Quý bà con cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Cây cà chua trồng trên giá thể xơ dừa
Tính phổ biến của cây dừa tại Việt Nam
Diện tích trồng dừa ở Việt Nam đứng thứ 7 trong số 93 nước trồng dừa trên thế giới, tính đến năm 2019, diện tích trồng dừa trên cả nước đạt 175.000 hecta, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng Sông Cửu Long và khu vực Duyên hải miền Trung. Với hơn 200 sản phẩm từ dừa được sản xuất, chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Giá thể xơ dừa và vai trò
Xơ dừa là một phụ phẩm nông nghiệp được sản xuất từ vỏ dừa, đây là loại giá thể có nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước và dồi dào, nên giá thành rẻ, người dùng có thể chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp, nhờ đó góp phần sử dụng giá thể xơ dừa trong trồng trọt trở nên phổ biến.
Từ vỏ của trái dừa, ta có thể tách ra phần xơ dừa (chỉ xơ dừa) và mụn dừa, hoặc cũng có thể sử dụng nguyên phần vỏ được chặt nhỏ thành từng miếng.
Giá thể xơ dừa
Trong nông nghiệp, giá thể xơ dừa thường được sử dụng với nhiều công dụng khác nhau như: phủ bề mặt chống nóng, chống xói mòn, trộn với đất giúp tăng độ ẩm và tơi xốp, tạo độ thông thoáng kích thích rễ phát triển.
Trong kĩ thuật trồng cây cà chua trên giá thể, chỉ xơ dừa hay vỏ dừa cắt miếng (thường được sử dụng trong các túi giá thể xơ dừa growbag) có vai trò tạo độ thông thoáng cho bộ rễ, giúp quá trình trao đổi chất của bộ rễ với môi trường diễn ra thuận lợi hơn. Còn mụn dừa có khả năng lưu trữ nước và dinh dưỡng tốt, tạo độ ẩm cho vùng rễ của cây. Vì vậy, tùy theo kĩ thuật trồng, yêu cầu giữ ẩm và thoát nước của từng vùng canh tác, từng cây trồng mà bà con phối trộn tỉ lệ xơ : mụn sao cho phù hợp.
Tại sao phải xử lý giá thể xơ dừa?
Để sử dụng xơ dừa làm giá thể trồng cây cà chua, bà con cần tiến hành xử lý giá thể xơ dừa trước khi sử dụng. Không chỉ riêng giá thể xơ dừa, mà bất kỳ giá thể nào bà con sử dụng trong kĩ thuật canh tác cây trồng trên giá thể (như trấu hun, mùn cưa...) đều phải được xử lý về giá thể trơ để loại bỏ các chất gây độc và các chất cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng cung cấp cho cây.
Trong thành phần của giá thể xơ dừa có chứa Tannin – một hợp chất tan trong nước. Lượng Tannin tồn tại trong giá thể xơ dừa có thể gây ngộ độc cho cây và cản trở quá trình hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Ngoài ra, các thành phần ion khoáng tồn tại trong giá thể xơ dừa như Kali, Natri sẽ gây cản trở quá trình hấp thụ Canxi của cây trong quá trình sinh trưởng.
Cách xử lý giá thể xơ dừa
Tùy vào điều kiện canh tác thực tế của bà con mà sẽ có cách xử lý giá thể xơ dừa phù hợp. Với các nông trại lớn, thường sẽ xử lý giá thể xơ dừa bằng cách xây dựng hồ chứa, việc xây dựng hồ chứa đòi hỏi đầu tư chi phí ban đầu cao, tốn nhân công vô lại giá thể xơ dừa vào túi sau khi xử lý, tuy nhiên tiết kiệm nước hơn và xử lý được nhiều giá thể 1 lần. Đối với các nông trại diện tích nhỏ, chưa có chi phí đầu tư xây dựng hồ xử lý, thì bà con có thể tiến hành xử lý giá thể xơ dừa trực tiếp trong túi PE đựng giá thể, cách xử lý này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư hơn, tận dụng được hệ thống tưới nhỏ giọt que cắm để xử lý, tuy nhiên sẽ tốn nhiều chi phí về điện, nước hơn so với xử lý bằng hồ.
Xử lý giá thể xơ dừa trực tiếp trong túi PE 20 x 40 cm
Dù xử lý giá thể xơ dừa bằng cách ngâm trong hồ chứa hay xử lý trực tiếp trên túi PE, thì cũng tuân theo những bước cơ bản sau:
Đầu tiên, để xử lý các chất khoáng tồn tại trong giá thể xơ dừa, bà con sử dụng 2,5 kg vôi bột hòa tan với nước để xử lý tương ứng cho 1 m3 giá thể xơ dừa, tiến hành ngâm giá thể xơ dừa với dung dịch này từ 2 – 4 ngày.
Sau đó, tháo hết lượng nước phân này ra ngoài để loại bỏ các chất khoáng đã được xử lý bằng vôi.
Tiếp đến, tiến hành rửa trôi Tannin bằng cách ngâm, tưới xả giá thể xơ dừa với nước nhiều lần trong ngày.
Cuối cùng, kiểm tra chỉ số EC và pH của giá thể xơ dừa, giá thể đạt tiêu chuẩn để sử dụng cho trồng cây khi chỉ số EC < 0.5, pH từ 6.5 – 7.
Trên đây là những hướng dẫn của đội ngũ Ficoco - Chuyên gia giá thể cây trồng.
Trong quá trình thao tác, bà con có bất kỳ thắc mắc nào cần tư vấn thì xin vui lòng liên hệ: 0949827155
Xin chân thành cám ơn!
Chúc mọi người mùa vụ thuận lợi.